Hầu hết khi vệ sinh máy điều hoà, các gia đình hay gọi thợ bảo dưỡng. Giá mỗi lần bảo dưỡng dao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/máy (chưa bao gồm phí nạp gas điều hòa). Do đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thuê thợ về vệ sinh điều hòa.
Vì vậy, để tiết kiệm và chủ động hơn, bạn nên vệ sinh điều hòa tại nhà theo những bước sau đây:
Bước 1: Kiểm tra khu vực dàn lạnh và cục nóng
Kiểm tra thật cẩn thận khu vực dàn lạnh và cục nóng và tiến hành loại bỏ nếu có dị vật (côn trùng chết, đinh tán...) bên trong. Nếu như có vật cản bên trong, máy lạnh sẽ không làm lạnh tốt được.
Kiểm tra mối nối gas và mối nối điện để đảm bảo không bị rò rỉ gas, điện gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng.
Bước 2: Vệ sinh lưới lọc
Để đảm bảo khả năng lọc bụi tốt nhất, khi làm vệ sinh, bạn tháo lưới lọc ra và ngâm trong nước, đồng thời dùng miếng rửa chén để cọ rửa nhẹ nhàng, loại bỏ bụi bẩn. Sau đó để lưới lọc thật khô ráo.
Bước 3: Vệ sinh cánh quạt và khoang chứa
Phần cánh quạt và khoang chứa được vệ sinh bằng cách dùng bình xịt chuyên dụng Coil Cleaner (hóa chất làm sạch dàn lạnh) tại các cửa hàng bán hóa chất hoặc thiết bị máy lạnh.
Xịt nhẹ nhàng hóa chất này vào các khe giữa của lá kim loại (tránh hóa chất tiếp xúc, gây hư hỏng bo mạch điện tử) để 10 - 20 phút cho hóa chất phát huy tác dụng, sau đó lau sạch bề mặt bằng khăn ẩm.
Bước 4: Lắp lại lưới lọc vào máy
Đối với những vị trí bị đọng nước, ẩm ướt bên trong hãy dùng khăn lau thật khô và tiến hành lắp lại lưới lọc vào máy.
Sau đó, dùng khăn ẩm lau toàn bộ bề mặt bên ngoài để máy lạnh được mới và đẹp hơn.
Bước 5: Vận hành máy
Cắm điện để máy vận hành thử. Nếu như máy chạy êm và không phát sinh dấu hiệu bất thường, không có tiếng động lạ là bạn đã hoàn tất quá trình làm vệ sinh máy lạnh.
Những lưu ý khi bảo dưỡng máy lạnh tại nhà
Khi vệ sinh tránh sử dụng lực phun nước mạnh ở gần vị trí có bảng mạch (vị trí của nó nằm ở phía trên máy nén) vì có thể ảnh hưởng đến bo mạch.
Tuyệt đối không được để dàn lạnh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hay mưa gió, tránh làm hư bo mạch.
Khi kiểm tra cần chú ý tình trạng đường ống và van có bị rò rỉ không để hạn chế tình trạng quá nhiệt, gây hỏng mát dây.